Điều tra toàn cầu về sử dụng thuốc lá (GATS 2015) công bố Việt Nam nằm trong số 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới với khoảng 15 triệu người hút, trong đó có khoảng 3 triệu thanh niên từ 16 đến 30 tuổi và 33 triệu người hít phải khói thuốc thụ động. Tỷ lệ hút thuốc của nam giới là 45,3%.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm có trên 40.000 người Việt Nam tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá. WHO cũng cho biết, nạn dịch thuốc lá toàn cầu hiện đang giết chết hơn 8 triệu người mỗi năm, trong đó bao gồm 900.000 ca tử vong gây ra bởi các bệnh do hút thuốc lá thụ động. Gần 80% trong số hơn 1 tỷ người hút thuốc lá trên toàn cầu đang sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, nơi đang phải gánh chịu phần lớn những hậu quả về bệnh tật và tử vong sớm do thuốc lá.
Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh – Bộ Y tế, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nam giới trưởng thành của Việt Nam đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc còn cao tại một số địa điểm công cộng như nhà hàng, quán ăn, quán bar…Trong khi khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá ở Việt Nam lại rất dễ dàng: thuốc lá được bày bán khắp nơi, giá thuốc lá rẻ. Việc vi phạm quy định cấm quảng cáo thuốc lá tại các điểm bán cũng đang gây những khó khăn cho công tác phòng, chống tác hại thuốc lá.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu như hiện nay, liệu những người ảnh hưởng bởi khói thuốc lá có bị nguy hiểm?
– Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc COVID-19 cao hơn:
Các bằng chứng hiện tại cho thấy SARS-CoV-2 xâm nhập vào tế bào, nhân lên, phát tán tại đường hô hấp. Virus xâm nhập vào các tế bào qua thụ thể ACE-2 có nhiều trong các mô phế nang tại phổi. Protein S được biến đổi của SARS-CoV-2 có ái lực với thụ thể ACE-2 cao hơn từ 10 đến 20 lần so với SARS-CoV-2, dẫn đến sự lây lan nhanh hơn của SARS-CoV-2. Khói thuốc lá làm gia tăng biểu hiện của ACE-2 trong các phế bào II và đại thực bào phế nang trong phổi.
Người hút thuốc lá hoặc hít phải khói thuốc lá (hút thuốc thụ động) có nguy cơ cao mắc COVID-19, làm tăng nguy cơ lây truyền và làm tăng mức độ nặng của nhiễm trùng đường hô hấp.
Khói thuốc làm tê liệt và thậm chí tiêu diệt các vi nhung mao (tế bào lông chuyển) trong phổi. Khi không có các nhung mao này, người hút thuốc rất nhạy cảm với COVID-19.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng lưu ý, hành động đưa ngón tay lên miệng khi hút thuốc lá làm tăng nguy cơ lây truyền COVID-19 từ tay lên miệng. Việc sử dụng chung các dụng cụ dùng để hút thuốc, như: thuốc lào, ống điếu, ống tẩu ở những người hút thuốc cũng là nguyên nhân làm tăng việc lây lan COVID-19 trong cộng đồng.
Một khảo sát trực tuyến tại Mỹ vào đầu tháng 5/2020 với sự tham gia của hơn 4.300 thanh thiếu niên Mỹ từ 13 đến 24 tuổi, công bố trên Tạp chí Sức khỏe Vị thành niên đã chỉ ra rằng, những người hút thuốc lá điện tử có nguy cơ mắc COVID-19 cao gấp 5 lần và những người trẻ tuổi vừa hút thuốc lá điện tử vừa hút thuốc lá thông thường có nguy cơ cao gấp 7 lần so với người không hút thuốc.
– Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc COVID-19 với triệu chứng nặng hơn:
COVID-19 là một bệnh truyền nhiễm chủ yếu tấn công vào phổi. Hút thuốc làm suy yếu chức năng phổi khiến cơ thể khó chống lại COVID-19 và các bệnh khác. Thuốc lá cũng là một yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh không lây nhiễm như bệnh tim mạch, ung thư, bệnh hô hấp và đái tháo đường,… khiến những người mắc các bệnh này có nguy cơ trở nặng hơn khi mắc COVID-19.

Một nghiên cứu của Hiệp hội nghiên cứu Nicotine và thuốc lá (SRNT) đã khảo sát trên 11.000 bệnh nhân COVID-19 và phát hiện khoảng 30% những bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá mắc COVID-19 với những triệu chứng đi từ nghiêm trọng đến nguy kịch, tỷ lệ này cao gần gấp đôi so với nhóm bệnh nhân không hút thuốc lá.
Một nghiên cứu khác được công bố bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học California, Los Angeles, Hoa Kỳ cho thấy một phần ba số thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 25 có thói quen hút thuốc lá có nguy cơ mắc COVID-19 với các triệu chứng nghiêm trọng.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng đã kết luận những người có thói quen hút thuốc lá là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch COVID-19, bên cạnh những người mắc bệnh lý nền.
Tại Việt Nam tính đến 12h00 ngày 31/5/2021 đã có 7.236 ca nhiễm và 47 ca tử vong do COVID-19. Những bệnh nhân diễn biến nặng và tử vong phần lớn đều có liên quan các bệnh lý nền như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư, đái tháo đường…mà khói thuốc lá là một trong số những yêu tố nguy cơ của các bệnh lý trên.
Đại dịch COVID-19 là một gánh nặng trên mọi mặt đời sống, sức khỏe, kinh tế, xã hội nhưng ngược lại, hãy coi đây như một động lực để thúc đẩy hơn nữa vấn đề cai thuốc lá, bên cạnh các biện pháp y tế dự phòng, nâng cao sức khỏe toàn dân,
Và, ngay từ bây giờ, vì sức khỏe của chính bạn và cộng đồng : “HÃY NÓI KHÔNG VỚI THUỐC LÁ!”
Nguồn tin: Sở Y tế Đắk Lắk