SÁNG NGỜI Y ĐỨC - BỀN VỮNG TƯƠNG LAI

7h00-17h00
(Tất cả trừ các ngày lễ, T7 và CN)

Tổng đài hỗ trợ 02623 730713

Đường dây nóng Covid-19 0985 682 853

Hưởng ứng tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ (1/8-7/8)

         Bắt đầu từ năm 1992, Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ được các quốc gia trên toàn thế giới tổ chức thường niên từ ngày 01 – 07/ 8 nhằm khuyến khích và tăng cường việc nuôi con bằng sữa mẹ (NCBSM). Ngày 21 tháng 7 năm 2022, Bộ Y tế đã có Công văn số 3856/ BYT – BMTE chỉ đạo triển khai Tuần lễ Thế giới nuôi con bằng sữa mẹ năm 2022 với chủ đề “Giáo dục và hỗ trợ – đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ”. 

        Tuần lễ thế giới NCBSM năm nay nhấn mạnh đến vai trò trách nhiệm chung của toàn xã hội và cộng đồng trong việc bảo vệ, hỗ trợ và khuyến khích bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19 để góp phần nâng cao sức khoẻ, giảm tử vong trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

         Nuôi con bằng sữa mẹ là một biện pháp tự nhiên không những tốt cho sự phát triển của trẻ mà còn bảo vệ sức khỏe của bà mẹ, đồng thời giúp cho việc gắn bó tình cảm mẹ con.  

         Theo đó Trung tâm Y tế huyện M’Drắk đã đưa ra các thông điệp truyền thông Tuần lễ thế giới NCBSM với chủ đề “Giáo dục và hỗ trợ – đẩy mạnh việc nuôi con bằng sữa mẹ”, bao gồm:

  1. Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh
  2. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu (không nước, không sữa bột, không thức ăn bổ sung)
  3. Tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn
  4. Các thành viên trong gia đình tích cực giúp bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thành công.
  5. Các bà mẹ cùng giúp nhau để trẻ được bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và bú đến 24 tháng tuổi
  6. Cán bộ y tế, cộng tác viên dinh dưỡng tích cực tư vấn giúp bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thành công
  7. Cơ sở y tế thực hiện 10 bước nuôi con bằng sữa mẹ – 10 bước hỗ trợ bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thành công
  8. Vì sức khỏe bà mẹ và trẻ em, người sử dụng lao động thực hiện tốt chính sách nghỉ thai sản 6 tháng.

1. Lợi ích của sữa mẹ đối với trẻ: Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Sữa mẹ có đủ các chất dinh dưỡng cho trẻ, bao gồm chất đường, chất béo, chất đạm, vitamin khoáng chất và nước với nồng độ cần thiết cho trẻ.

Sữa mẹ chứa nhiều kháng thể mà trẻ cần, giúp phòng chống các bệnh nhiễm khuẩn ở đường ruột, hô hấp; các bệnh ở tai, mũi, họng; phòng chống dị ứng, hen suyễn; sữa mẹ làm giảm nguy cơ bị bệnh tiểu đường. Sữa mẹ còn có vai trò giúp phát triển hệ miễn dịch tự nhiên của bé bằng cách tạo điều kiện cho các vi khuẩn có lợi trong đường ruột phát triển, giúp diệt trừ các vi khuẩn có hại từ đó đẩy lùi nguy cơ nhiễm trùng.

Trong sữa mẹ tỉ lệ giữa các axit amin, các loại axit béo, các vitamin và khoáng chất rất phù hợp cho sự phát triển của hệ thần kinh và thị giác của trẻ.

Đồng thời, Trẻ được bú mẹ, được nằm trong vòng tay yêu thương của người mẹ, được gần gũi, âu yếm, được nói chuyện với mẹ sẽ giúp bé phát triển nhận thức, tâm thần tốt. Ngược lại, không bú mẹ, trẻ bị cách ly, không có cảm giác bình an, hay khóc và về sau phát triển nhận thức, tâm thần kém hơn.

Tỷ lệ giữa các khoáng chất canxi, phôtpho và magiê có trong sữa mẹ là tốt nhất cho sự phát triển hệ xương của trẻ. Những yếu tố này có tác động rất lớn tới sự phát triển bền vững lâu dài của hệ xương cho tới khi về già.

Bên cạnh đó, những trẻ được bú mẹ rất ít bị mắc các khuyết tật về phát âm, vì việc bú mẹ giúp bé phát triển đồng bộ hệ cơ xương ổ miệng và má.

Trẻ được bú mẹ sớm, sẽ tạo được phản xạ mút vú, tống phân su sớm, giảm vàng da sau sinh.

Đối với trẻ sinh thiếu tháng, được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển hơn những trẻ được nuôi bằng sữa ngoài

Trẻ sinh ra không được bú mẹ trong 06 tháng đầu có tỉ lệ tử vong cao hơn 14 lần so với trẻ được bú mẹ. Vì vậy, cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 06 tháng đầu, được coi là liều văcxin hiệu nghiệm cho cơ thể non yếu của trẻ

Như vậy, sữa mẹ sẽ giúp bé tăng trưởng tốt và phát triển toàn diện về thể chất, tâm thần và trí tuệ của trẻ. Về mặt lâu dài, lúc trưởng thành ít nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây như béo phì, huyết áp, tiểu đường, tim mạch… mà những trẻ bú sữa bột, sữa công thức thường gặp

2. Lợi ích với mẹ khi cho con bú

Nuôi con bằng sữa mẹ cung cấp một khoảng thời gian đặc biệt giúp bạn và con gần gũi, tăng cường sự gắn bó giữa mẹ và con. Khi em bé đang khóc, cho con bú sữa mẹ sẽ làm cho em bé dễ chịu và dễ dỗ dành hơn.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp tiết kiệm thời gian: Sữa mẹ luôn sẵn sàng, sạch và ở nhiệt độ thích hợp. Điều này dễ dàng hơn khi bạn cho con ăn đêm và khi đi du lịch.

Nuôi con bằng sữa mẹ giúp kiểm soát việc chảy máu của mẹ sau khi sinh, giảm thiểu nguy cơ ung thư vú và buồng trứng; giảm thiểu nguy cơ mẹ bị đái tháo đường tuýp 2 sau này

Khi cho con bú sẽ kích thích cơ thể giải phóng hormone Oxytocin khiến tử cung co rút và trở lại kích thước bình thường nhanh hơn. Đồng thời nuôi con bằng sữa mẹ giúp các bà mẹ quay trở lại cân nặng trước khi mang thai nhanh hơn.

3. Nuôi con bằng sữa mẹ còn tốt cho gia đình và cộng đồng

Khi nuôi con bằng sữa mẹ bạn không phải mất tiền mua sữa, mua bình sữa hay dụng cụ pha sữa… Do đó, nuôi con bằng sữa mẹ không tạo ra ô nhiễm, bao gói và chất thải dư thừa.

Nuôi con bằng sữa mẹ làm giảm chi phí chăm sóc sức khoẻ, trẻ sơ sinh ít ốm, do vậy ít phải đi bác sĩ và bệnh viện. Đồng thời, làm giảm số ngày phụ huynh phải dùng để chăm sóc trẻ em bị bệnh ở nhà…

4. Để có đủ sữa cho con bú, bà mẹ cần thực hiện những biện pháp sau:

Trong giai đoạn mang thai:

Người mẹ cần được ăn uống đầy đủ các chất dinh dưỡng, giúp người mẹ tăng cân tốt (10-12kg), đó là nguồn dự trữ mỡ để sản xuất sữa sau khi sinh

Có chế độ nghỉ ngơi, lao động hợp lý, tinh thần thoải mái.

Giai đoạn cho con bú:

Người mẹ cần phải ăn đủ, uống đủ, ngủ đủ giấc. Khẩu phần ăn cần cao hơn mức bình thường.

Nên ăn thêm quả chín để có đủ vitamin. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ hoặc vừng rang muối giã nhỏ ăn với xôi có tác dụng kích thích bài tiết sữa.

Nên hạn chế các thức ăn gia vị như ớt, hành, tỏi vì nó qua sữa gây mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.

Người mẹ cho con bú nên uống nhiều nước nhất là cháo, nước hoa quả, sữa…(mỗi ngày khoảng 1,5-2,0 lít)

Khi cho con bú, nên hạn chế dùng thuốc vì một số thuốc có thể qua sữa gây ngộ độc cho trẻ và làm giảm tiết sữa. Việc dùng thuốc phải có sự tư vấn của thầy thuốc.

         Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ. Các bà mẹ hãy cho trẻ bú sớm ngay sau sinh, bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi./.

Viết một bình luận